Truyền thuyết: Khoảng thế kỷ XVII, một số người Tiều ở Triều Châu (Trung Quốc) di cư sang Việt Nam và trụ lại ở Sóc Trăng. Trên đường xa xứ, lương thực mang theo của họ là thứ bánh làm bằng khoai môn, mỡ lợn và đậu xanh (trong đó thành phần chính là khoai môn) có tên gọi: bánh Pía. Pía là âm đọc chữ Hán của từ bính (dịch sang tiếng Việt là bánh).
Ca dao: “Đi thì nhớ vợ cùng con
Về thì nhớ củ khoai môn trên rừng”.
(Từ điển: Khoai môn cùng họ với cây dáy, lá hình mũi tên, củ chứa nhiều tinh bột, dùng để ăn.
Ghi chú thêm: Khoai môn là loại thực phẩm rất phổ biến của các dân tộc ven Thái Bình Dương. Bột khoai môn rất quý, giàu protein và chất sắt, vị bùi, thơm, ngậy, giúp tiêu hóa tốt. Cây khoai môn sinh trưởng tốt trên các vùng núi cao.)
Suy luận của người viết: Nhưng dù sao, khoai môn của người dời bỏ đất mẹ như trên là thứ cây của người dân nghèo dùng để thay cơm hoặc độn cơm trong những lúc giáp hạt cũng như khoai lang, sắn…
Khi đã trở thành dân tộc thiểu số của Việt Nam, người Tiều vẫn giữ thói quen làm bánh Pía, ăn cho đỡ nhớ quê gốc của mình. Người dân Sóc Trăng ăn thứ bánh này, thấy ngon, cũng làm theo và cứ thế, bánh Pía dần trở thành đặc sản của Sóc Trăng và nhiều địa phương khác ở miền Nam.
Đến đầu thế kỷ XIX, người đầu tiên kinh doanh bánh Pía với quy mô tương đối lớn là ông Đặng Thuận, ở làng Vũng Thơm (nay là xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng).
Nhưng phải đến nay, nghề làm bánh Pía mới cực thịnh. Ngoài Sóc Trăng, nhiều tỉnh có bánh Pía. Mỗi lò bánh đều ra công tìm hiểu những bí quyết cổ truyền, đồng thời cải tiến nội dung và hình thức bánh khiến chính những người Việt gốc Hoa ở Sóc Trăng cũng phải ngạc nhiên và mày mò làm theo.
Khách hàng dễ nhận ra bánh Pía Sóc Trăng hơn hẳn bánh Pía các nơi khác ở hương vị riêng, vì không bao giờ dùng các hương liệu hóa học để bánh giữ thuần chất, sự ngon lành, hấp dẫn của từng nguyên vât liệu vốn đã quen với khẩu vị người tiêu dùng.
Do cách chế biến công phu và cầu kỳ, bánh Pía còn có tên là bánh lột da. Vì vỏ bánh có hai lớp. Lớp bên ngoài gọi là lớp vỏ lụa, có in chữ và hoa văn, phải thật mỏng và dễ tróc khi bóc bỏ. Lớp thứ hai còn quan trọng hơn. Cán mỏng quá thì không giữ nổi nhân bánh, cán dày thì không đạt yêu cầu, ăn kém ngon. Nhân bánh phải hòa quyện các nguyên vật liệu với nhau thành một màu vàng ươm, mịn mượt. Riêng lòng đỏ trứng vịt ướp muối đặt giữa bánh cũng công phu, sao khi cắt bánh, mỗi miếng đều có trứng mà không bị vỡ. Phải biết chọn quả trứng mà lòng đỏ có tỷ lệ lớn hơn lòng trắng. Để lòng trứng có màu đỏ tươi, người ta cho vịt ăn vỏ tôm luộc chín màu đỏ.
Cải tiến lớn nhất, theo tôi nghĩ có tính đột phá là đưa được vị sầu riêng, thứ cây đặc trưng của miền Nam vào bánh Pía. Ở đây, ta thấy quả sầu riêng cũng như quả dừa, có khả năng hòa hợp với nhiều nguyên liệu làm bánh khác, nâng giá trị của mình lên, đồng thời làm bánh Pía có hương vị hơn hẳn thuở sơ khai.
Bánh Pía Sóc Trăng vẫn được đóng gói theo kiểu cổ truyền: bốn bánh một gói hình trụ. Nhưng hình thức bao bì được cải tiến lớn. Bốn chiếc bánh ngày nay đựng trong hộp nhựa cứng có vách ngăn để bánh không thể dính vào nhau hoặc làm biến dạng. Bên ngoài hộp nhựa còn có hộp bằng bìa cứng hoặc túi nilon dày, được hút chân không và được in ấn công phu, hiện đại.
Bánh Pía được coi như bánh Trung Thu (vì trông bề ngoài giống bánh Trung Thu) tiêu thụ số lượng lớn trong dịp Tết này và cả trong Tết Nguyên Đán nữa.
Người dân Sóc Trăng tự hào về đặc sản bánh Pía sáng giá của mình. Đồng bào dân tộc Hoa ở Sóc Trăng tự hào về đặc sản bánh Pía mỗi khi gửi loại bánh này từ quê hương thứ hai về làm quà cho người thân và bè bạn nơi cố quốc.