Cuối tháng tư, đầu tháng năm âm lịch, ai qua đường 5, đoạn đường thuộc địa phận tỉnh Hải Dương quê tôi, đều bắt gặp những rặng vải trải dài hàng cây số trên bờ kênh thủy nông ven đường, cây nào cây nấy đều giống cái mâm bồng lớn rộm thứ quả màu đỏ rực, ngắm mãi không chán mắt. Ấy là lúc vào mùa thu hái vải thiều. Vẳng đâu đây tiếng chim tu hú – thứ chim di trú có thân hình nhỉnh hơn chim sáo, lông màu đen hoặc đen nhạt, có điểm những chấm trắng, chỉ xuất hiện khi quả vải chuyển màu từ xanh sang đỏ. Người ta còn lấy tên chim đặt cho một loại vải chín trước vải thiều hàng chục ngày: vải tu hú. Vải này có vị chua, cùi mỏng, hương vị không bằng vải thiều. Quê chính của vải thiều là huyện Thanh Hà – Hải Dương. Vào mùa vải, ở đây chợt đông vui như có hội lớn, người tứ phương đổ về, mua mua, bán bán. Từ Thanh Hà đến thành phố Hải Dương, đỏ au mầu vải chín, bày bán ở ven quốc lộ, trên sân ga, bến xe… Vải thiều Lục Ngạn – Bắc Giang, vải thiều Chí Linh – Hải Dương cũng đổ về đây không ít, để được “lây” cái tiếng vải thiều Thanh Hà. Cùng lấy giống từ vải Thanh Hà, quả vải của các vùng khác, cũng được đánh giá là vải ngon, những người sành ăn vải vẫn nhận ra không khó khăn đâu là vải quê gốc.
Tục truyền, vải thiều có nguồn gốc từ Trung Quốc, do ông Hoàng Văn Cơm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh hải Dương mang về. Cây vải ông trồng đầu tiên ở đất Thanh Hà thành cây vải tổ, được nhân giống thành triệu triệu cây vải khác ở nhiều vùng trên đất nước. Cây vải thiều vì vậy còn có tên Lệ Chi (từ Hán). Người ta nhớ đến Lệ Chi Viên (vườn vải) của nhà vua ở đất Chí Linh (Hải Dương) nơi mở đầu vụ án oan khiên ngút trời trong lịch sử phong kiến Việt Nam, khiến Nguyễn Trãi và vợ là bà Nguyễn Thị Lộ bị tru di tam tộc. Sự kiện này chứng tỏ thêm cây vải thiều ở Chí Linh có từ lâu đời.
Quả vải thiều như viên hồng ngọc kết tinh từ trời, đất, sức lao động vun trồng bao đời của nhân dân ta. Khi được thưởng thức vị ngọt thơm và chất bổ chứa trong quả vải, càng thấy ngạc nhiên về sự tạo tác quý giá ấy của thiên nhiên.
Mùa thu hoạch vải thiều rất ngắn, chỉ khoảng trên dưới hai tuần. Nước nhập vải thiều nhiều nhất của ta là Trung Quốc. Quả vải thiều được trở ngược về quê gốc với chất lượng cao hơn nhờ thổ nhưỡng Thanh Hà. Sản lượng lớn đòi hỏi phải tiêu thụ nhanh. Người dân đã nghĩ ra cách sấy khô, bảo quản lâu dài quả vải thiều. Số lượng vải sấy khô cũng rất lớn. Vì thế ta có vải thiều ăn quanh năm.
Muốn có vải sấy chất lượng tốt, phải chọn vải tốt, dày cùi và ngọt nhưng khâu quyết định vẫn là kỹ thuật sấy. Phải biết làm lò đúng kỹ thuật, biết điều tiết ngọn lửa theo từng thời điểm đã được quy định trước. Phải sấy sao cho vải khô đều để có quả vải vàng đều một màu, cùi vải thơm ngon, ăn không bị khé. Tất cả đòi hỏi người chế biến phải có tay nghề cao.
Cửa hàng Nếp Hương từ lâu nhập vải sấy từ những lò sấy nổi tiếng về chất lương ở chính đất Thanh Hà – Hải Dương.