Bảo Thái là cái tên bố tôi đặt cho thứ chè Thái Nguyên chỉ bán riêng tại cửa hàng Nếp Hương – 42 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Nó có nghĩa là: giữ gìn cái quý giá đặc biệt, cái tiếng thơm lâu đời của chè Thái Nguyên.
Trà Bảo Thái được bày song song với bánh đậu xanh Bảo Hiên Rồng Vàng ngay từ ngày khai trương cửa hàng. Chúng như đôi anh em cùng họ, sinh ra là để tương trợ, bảo vệ nhau trên thương trường thời kỳ đổi mới của đất nước, vừa hồ hởi, vừa có nhiều áp lực do quy luật cạnh tranh.
Hai bố con tôi bàn nhau: phải làm sao cho trà Bảo Thái được khẳng định giá trị ngay từ thời gian đầu. Đây là một thách đố không nhỏ. Kinh nghiệm buôn bán chưa có, chưa tiếp cận được nguồn hàng chắc chắn. Cha tôi chỉ có một lợi thế là quen uống trà Thái từ lâu, biết thẩm định cái ngon của trà. Ông nảy ra ý định: đi lùng sục các cửa hàng trà khắp Hà Nội. Nơi sẵn sàng mời uống thử thì uống thử, nơi không có lệ này thì mua một ít đem về nhà thử. Hàng tuần lễ như thế, ông tìm được 1, 2 nhà có chè ngon. Gọi là ngon nhưng chỉ tương đối thôi so với mơ ước của ông. Ông tặc lưỡi chấp nhận mua buôn lại, ăn lãi chút ít tại một cửa hàng có ông chủ đứng tuổi, vẻ người phúc hậu. Ngày ấy với số tiền lương hưu có hạn, không thể in ngay nhãn mác nhiều mẫu, với số lượng lớn 1 lúc, ông mày mò trình bày đen trắng, đem photo nhiều bản rồi ngồi tỷ mẩn lấy phẩm màu tô thêm cho hấp dẫn.
Trà Bảo Thái bước đầu được khách hàng chú ý. Có người đến chỉ nhằm mua bánh Bảo Hiên nhưng thấy trà được sàng sảy sạch sẽ, có hai lần túi nilon, có nhãn mác nghiêm túc, liền mua thử. Đến đây thì không thể buôn bán tạm bợ được. Cha tôi bảo tôi đi đăng ký bảo vệ nhãn mác tại cơ quan có thẩm quyền, trình bày hộp, in mác theo kiểu hiện đại. Trà Bảo Thái bước sang thời kỳ đổi mới.
Cha tôi đích thân lên vùng trà Thái Nguyên, tìm đối tác làm ăn. Lúc này, ngành trà Việt Nam cũng đang ráo riết đầu tư máy móc, cải tiến các dây chuyền làm trà. Ngoài các nhà máy lớn, các cơ sở nhỏ lẻ cũng theo nhau cơ giới hóa từng bộ phận sản xuất. Khâu sao trà cũng bằng máy, tăng năng suất nhiều lần so với sao thủ công, trong khi người sành trà của ta vẫn cứ ước được uống loại trà “sao suốt”. Đáp ứng được yêu cầu này, giá thành trà đội lên rất cao, không phải người kinh doanh trà nào cũng chấp nhận nổi. May sao, cha tôi được người quen giới thiệu một chị buôn trà chuyến. Chị này đồng ý cung cấp loại trà “sao suốt” bằng cách đi mua nhặt của các hộ còn sao trà kiểu cũ. Cũng phải công phu lắm chị mới đáp ứng được các yêu cầu của cha tôi. Vì, cũng là “sao suốt” đấy, nhưng còn chất lượng đầu vào của trà như thế nào mới quan trọng, trà mới đồng nhất.
Đến giờ, cha tôi đã già yếu. Tôi phải để ông được nghỉ ngơi hẳn tại một căn hộ xa cửa hàng. Tôi phải thay ông làm các việc như: thử trà, nhắc nhở chị bán trà mỗi chuyến nhập hàng. Đôi khi, tôi và chị phải căng thẳng với nhau trong việc xác định chất lượng trà, vì cây trà chịu ảnh hưởng nhiều ở thời tiết. Mưa quá, trà uống nhạt. Nắng dài ngày, trà có vị đắng và đỏ nước. Trà mùa xuân kém hẳn trà các mùa khác…
Chỉ một mặt hàng thế thôi trong hàng trăm mặt hàng khác cũng đòi hỏi người quản lý cửa hàng không ít công sức và tâm lực.