Trên các mảnh vườn quê, người ta thường bắt gặp luống rau gia vị: hành, tỏi, gừng, nghệ, tía tô, ngải cứu, kinh giới, hẹ, xả…, ở vị trí dễ tiếp cận nhất, khi cần là có ngay. Đa số những cây này còn là vị thuốc quý. Một bát cháo hành, tía tô, ăn nóng, cho toát mồ hôi, có thể chữa được cảm mạo. Một nhánh gừng giã nát, đổ vào một ít rượu để đánh cảm, rất hiệu nghiệm.
Gừng, tên Hán là Khương, có tác dụng thông khí, trừ hàn, tiêu đờm, giải phong, thăng dương… là vị thuốc thường thấy trong các thang thuốc đông y. Gừng ngày nay được sản xuất đại trà theo kiểu công nghiệp, thành một loại trà rất được ưa dùng: trà gừng.
Vị cay nóng của gừng cộng với vị ngọt mát của đường kính tạo thành một đặc sản không thể thiếu trong hộp mứt tết. Đến thăm nhau ngày đầu xuân rét mướt, ngồi trong những chiếc ghế đệm êm ấm, được chủ nhà trịnh trọng mời uống trà, ăn mứt nhiều loại, nhiều màu sắc bắt mắt, đựng trong các khay nhiều ngăn, không hiểu sao khách thường hưởng ứng bằng việc nhón trước tiên miếng mứt gừng. Có lẽ, sau những bữa ăn nhiều thịt, người ta thấy thèm một chút cay cay.
Mứt gừng chế biến không khó. Gừng rửa sạch, gọt vỏ, thái mỏng, càng mỏng càng tốt, dọc theo nhánh gừng. Ngâm vào nước gạo qua một đêm (cho trắng ra và bớt cay). Vớt gừng, rửa sạch, chần qua nước phèn, chờ ráo nước. Trộn gừng với đường, đun nhỏ lửa, đảo đều tay (để gừng không bị vàng). Khi đường cạn đủ độ, lấy một giọt đường nhỏ vào bát nước, thấy đường vón thành chấm tròn không hòa tan, là được. Để nghiêng chảo, trộn cho thật khô đường, gỡ gừng ra từng miếng rời nhau. Lúc này mứt có màu vàng nhạt, khô, đường kết tinh thành những hạt cực nhỏ bám đều, mùi thơm cay ngọt đặc trưng, rất hấp dẫn.
Hà Nội: 20.12.2011