Từ khi bước vào nghề kinh doanh bánh kẹo đặc sản dân tộc, tôi thường xuyên có cảm nhận sâu sắc về không gian, thời gian, bốn mùa thay đổi, nắng nôi, bão lũ, giá lạnh…
Hôm nay, hàng gọi từ miền Nam, miền Trung đã ra đến đâu rồi? Mùa bão lũ, liệu hàng ra có thông đồng bén giọt?
Từ những ngày đầu Xuân, đã nghĩ đến hoa bưởi với những chùm hoa trắng muốt, thơm nức xóm làng. Chả là bột sắn dây đang chờ ướp hương. Rồi hoa vải, hoa nhãn ở Hải Dương, Hưng Yên, trời mưa xuân nhè nhẹ thế này, hẳn cho hoa phát triển tốt, để sang thu, ta có dồi dào vải sấy khô và long nhãn?
Mùa Hạ, hoa sen Hồ Tây, hoa nhài Ngọc Hà liệu có cung cấp đủ cho mấy nhà ướp chè chuyên nghiệp đã ký hợp đồng với cửa hàng?
Mùa Thu, hồng đã đỏ au, na đua nhau mở mắt, chuối tiêu chín vàng… ngày nào ta nhập xong cốm Vòng đây? Mùa thu – mùa bánh kẹo, mùa cưới hỏi, mùa có ngày tết quan trọng của thiếu nhi… kế hoạch phục vụ của cửa hàng phải đổi mới những gì đây?
Mùa Thu, mùa thu hoạch nếp cái hoa vàng, đậu xanh, dừa, lạc, vừng, mía… những nguyên vật liệu quý làm ra nhiều loại bánh kẹo đặc sản từ Bắc chí Nam. Rồi các loại mứt bí, mứt hồng, mứt quất… chuẩn bị sớm phục vụ Tết Nguyên Đán.
Mùa Đông tiếp sức mùa thu như để kéo dài mùa bánh mứt kẹo cho đến tết Âm lịch và cả mấy tháng mùa xuân năm sau.
Miền Nam thực sự chỉ có hai mùa: mưa và khô, nhưng vẫn cảm nhận được hương sắc bốn mùa qua các đặc sản bánh kẹo của miền Bắc: cân mứt sen, gói bột sắn dây, miếng bánh cáy, thanh kẹo lạc – sìu châu… Đã có cành mai nhưng vẫn ước có cành đào ngày tết. Trong cái nắng nóng kéo dài, sau khi thưởng thức nước dừa đá, sinh tố trái cây mát ruột, vẫn mong có thanh kẹo cuđơ hay thanh mè xửng của miền Trung.
Ta đã có những ngày hội hoa, hội trái cây, rất nên có những ngày hội bánh mứt kẹo dân tộc để quảng bá ngày một rộng, một sâu thành quả của văn hóa ẩm thực hàng ngọt Việt Nam.
Hà Nội : 01.10.2011